Nông dân tỉnh Đắk Nông đã được gặp gỡ các chuyên gia nổi tiếng về bơ, các chủ vườn bơ ở tận những đất nước xa xôi, để hiểu thêm về giá trị của loại quả quý giá trên cao nguyên này.
Với 2.600 ha bơ xen canh và chuyên canh, tuy không phải là tỉnh có diện tích bơ lớn nhất (tỉnh Đắk Lắk lân cận diện tích bơ gần 5.000 ha), nhưng Đắk Nông-tỉnh “em út” trong 5 tỉnh Tây Nguyên, đã có sáng kiến tổ chức lễ hội “Đắk Nông- Mùa bơ chín” từ ngày 18-23/7/2018, tạo cơ hội gặp gỡ, giao lưu, học hỏi vô cùng lý thú cho những người trồng bơ và kinh doanh bơ.
Trong Hội thảo “Phát triển bơ bền vững” có hơn 400 nông dân chuyên trồng bơ theo dõi, ông David Clack, một chủ nông trại có nhà máy chế biến xuất khẩu bơ ở Nam Phi lần đầu tiên đến Việt Nam đã chia sẻ câu chuyện đầy lý thú về cách ông đã sản xuất bơ bền vững ra sao, để tạo được thương hiệu và lợi nhuận cao cho mình.
Nông dân cũng đã lắng nghe Phó giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện cây ăn quả Miền Nam, một “chuyên gia Bơ” lưu ý về vấn đề “bản quyền cây giống” mà Chính phủ đã ký kết. Theo PGs-Ts Minh Châu, trong tổng sản lượng bơ thế giới khoảng 3,5 triệu tấn/năm, riêng giống bơ Hass miền ôn đới đã chiếm đến gần 50%, còn bơ nhiệt đới chỉ khoảng 20 nghìn tấn. Nước ta chỉ phù hợp phát triển các giống bơ nhiệt đới.
Với Tiến sĩ Trương Hồng- Viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, nông dân hiểu thêm vì sao phải kỹ lưỡng trong cách chọn giống bơ cho mỗi tiểu vùng khí hậu, và cách chăm sóc bón tưới cho từng loại bơ tùy thổ nhưỡng để bảo đảm cả chất lượng lẫn sản lượng, bằng những cứ liệu cụ thể.
Nhiều nhóm nông gia đến từ những huyện thị trồng nhiều bơ Đắk Mil, Đắk R lấp, Đắk Song, Đắk Glong, thị xã Gia Nghĩa công nhận chuỗi hoạt động trong “tuần lễ bơ” này rất có ý nghĩa với họ. “Mong sao Nhà nước giúp nông dân chúng tôi xây dựng được thương hiệu và đầu ra cho bơ bền vững, như cách anh chủ vườn đến từ Nam Phi kia đã làm!”
Trưa ngày 20/7/2018, tại Trung tâm Hội nghị thị xã Gia Nghĩa, bản thỏa thuận dịch vụ Sản xuất bơ bền vững tại tỉnh Đắk Nông đã được ký kết giữa Công ty Sam Nông nghiệp công nghệ cao và Cơ quan Hợp tác liên Chính phủ New Zealand. Đây là bước cụ thể hóa tiếp theo các nội dung hợp tác đã được ký kết dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Việt Nam, đại diện chính phủ New Zealand trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ tới New Zealand gần đây.
Ông Vũ Tuấn Hoàng, đại diện SAM Agritech cho biết: “Thị trường bơ rất lớn và tăng trưởng qua từng năm. Năm 2017, giá trị thị trường bơ thế giới là 13 tỷ USD, dự báo năm 2027 đạt 23 tỷ USD. SAM Agritech sẽ giúp Đắk Nông xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, mở đầu bằng nhà máy chế biến dầu bơ, giúp nông dân từ việc cung ứng giống tốt đến quy trình canh tác, chứng nhận cây trồng, đào tạo hướng dẫn và bao tiêu sản phẩm….”
Bà Karlene Davis – Tổng lãnh sự kiêm Tham tán thương mại New Zealand tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo “Phát triển bơ bền vững”, bà Karlene Davis – Tổng lãnh sự kiêm Tham tán thương mại New Zealand tại Việt Nam tin tưởng cuộc hợp tác này sẽ mang đến sự tăng trưởng kinh tế đáng kể cho Đắk Nông, tỉnh cao nguyên cầu thị và mến khách.